Căn bệnh điếc bẩm sinh khiến hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam không thể nghe, nói và phải sống một cuộc đời lặng lẽ. Kỹ thuật cấy điện cực ốc tai đã mở ra cơ hội giúp trẻ khiếm thính được sống như một người bình thường. Phóng viên Trúc Giang có bài viết giới thiệu về kỹ thuật này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1,5 đến 3 trẻ điếc bẩm sinh. Nhóm trẻ có nguy cơ cao về khiếm thính là đẻ thiếu tháng, suy thai, trẻ sinh cân nặng nhỏ dưới 2,5kg, trẻ sinh quá ngày, trẻ yếu sau sinh hoặc bị nhiễm khuẩn từ bào thai, hoặc mẹ khi mang thai bị nhiễm cúm, virut….
Thống kê từ các bệnh viện phụ sản Việt Nam cũng cho thấy, cứ từ 25 đến 50 trẻ trong nhóm nguy cơ cao thì có 1 trẻ bị điếc. Nếu không được can thiệp y học sớm, trẻ sẽ bị điếc, câm vĩnh viễn và sống cuộc đời khuyết tật trong hình thù lành lặn
PHƯƠNG PHÁP CẤY ĐIỆN CỰC ỐC TAI LÀ GÌ
Với một tai bình thường, tế bào lông sẽ là nơi chuyển các rung động của âm thanh qua các dịch lỏng trong tai đến với dây thần kinh thính giác và tới não bộ, và chúng ta nghe được âm thanh.
Với những tai nghe kém do tổn thương tế bào lông. Trường hợp tế bảo lông bị tổn thương một phần, bệnh nhân có thể dùng máy tt để nghe tốt hơn. Còn ở những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân đã đeo máy trợ thính nhưng không hiệu quả, lúc này thiết bị điện cực ốc tai sẽ giúp thay thế chức năng của các tế bào lông, nó kích thích trực tiếp tới thần kinh thính giác.
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp phẫu thuật hiện đại đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối. Mỗi ca phẫu thuật sẽ mất khoảng từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ. Sau 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành bật máy và gắn với bộ phận bên ngoài kết nối bằng nam châm qua da đầu.
Khi phẫu thuật, các bác sỹ sẽ cấy ghép một thiết bị nghe nhằm vượt qua phần tai trong bị tổn thương và kích thích trực tiếp tới thần kinh thính giác. Một hệ thống điện cực ốc tai gồm 2 phần: Một bộ phận cấy vào trong nằm dưới da, phía sau tai; Một bộ phận xử lý âm thành đeo bên ngoài.
Sau khi cấy ghép điện cực ốc tai, bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường. Thiết bị điện cực ốc tai đầu tiên được cấy vào năm 1982. Đến nay thiết bị điện cực ốc tai đã được cải tiến và khắc phục các nhược điểm mà thế hệ máy trước đây gặp phải. Đồng thời thiết bị này cũng được nghiên cứu để có thể nâng cấp trong vòng đời của bệnh nhân mà chỉ cần 1 lần phẫu thuật đặt điện cực duy nhất, và mỗi thiết bị có tuổi thọ cao có thể lên đến 75 năm.
Thiết bị xử lý âm thanh đeo ngoài hiện nay đã có công nghệ thông minh smart sound iQ giúp cho bộ xử lý âm thanh phối hợp nhịp nhàng với não bộ của người nghe, tự động nhận diện các môi trường nghe khác nhau để điều chỉnh cho phù hợp để người nghe có được chất lượng nghe tốt nhất.
Đánh giá về phương pháp cấy điện cực ốc tai
Một điều vô cùng đặc biệt và hy hữu là người bác sỹ tiến hành bật máy và theo dõi, tư vấn, huấn luyện cho bệnh nhân điếc bẩm sinh hoặc đột ngột tại Bệnh viện TWQĐ 108 lại chính là một trong những người đầu tiên được cấy ghép thành công thiết bị này. Bác sỹ Chuyên gia Thính học - Hoàng Thị Phương (Khu Khám và Điều trị theo yêu cầu – Bệnh viện TWQĐ 108) từng bị điếc đột ngột 3 năm trước, sau đó chị đã đã trải qua 2 lần cấy điện cực ốc tai thành công để quay trở lại vị trí là người Bác sỹ Tai Mũi Họng. Từ đó chị cũng quyết tâm trở thành một chuyên gia thính học để đem những kiến thức và trải nghiệm của mình giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội mở cửa kết nối âm thanh cuộc sống.
Bác sỹ Phương chia sẻ rằng: “Giải pháp Cấy điện cực ốc tai là lựa chọn rất phù hợp và cần thiết cho bệnh nhân mắc chứng điếc bẩm sinh hoặc tai nạn . Cuộc phẫu thuật và bật máy đã diễn ra rất thành công bạn ấy đang bắt đầu những bước đi đầu tiên để đạt tới kết quả nghe hiểu trọn vẹn. Thực sự với cương vị là bác sĩ về thính học và cũng từng là bệnh nhân thì tôi càng hiểu việc cần nghe tốt để tiếp tục học tập với bạn là quan trọng như thế nào, khát khao được hoà nhập cộng đồng của bạn ấy chảy bỏng như thế nào.”
Cấy ốc tai điện tử phù hợp với đối tượng nào
Cấy ốc tai điện tử không phải là phương pháp phù hợp với mọi đối tượng. Trẻ em và người lớn có thể là tiến hành cấy ốc tai điện tử khi:
Mất thính lực nặng ở cả hai tai
Máy trợ thính không mang đến hiệu quả
Không có các vấn đề y tế làm tăng rủi ro phẫu thuật
Ngoài ra, ở người trưởng thành, cấy ốc tai điện tử cũng được khuyến khích trong các trường hợp:
Mất thính giác làm gián đoạn khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ
Mất một phần hoặc toàn bộ thính giác
Phụ thuộc vào khẩu hình miệng kể cả khi đã dùng máy trợ thính
Có sự hiểu biết về hoạt động và chức năng của ốc tai điện tử
Giảm thính lực
Sự khác biệt giữa ốc tai điện tử và máy trợ thính
Máy trợ thính cũng là một thiết bị y tế được sử dụng trong trường hợp suy giảm thính lực. Khác với ốc tai điện tử, máy trợ thính không truyền tín hiệu âm thanh qua các điện cực. Thay vào đó, máy trợ thính sẽ sử dụng micro, bộ khuếch đại và loa để làm cho âm thanh lớn hơn, giúp người dùng cải thiện khả năng nghe của mình. Ngoài ra, máy trợ thính cũng không cần đến phẫu thuật để cấy ghép. Chúng thường được dùng để đeo ở trong hoặc phía sau tai.
Máy trợ thính sẽ phù hợp với các đối tượng bị mất thính lực từ nhẹ đến trung bình. Khả năng khuếch đại của máy sẽ phụ thuộc vào mức độ khiếm thính của người dùng. Một số loại máy trợ thính có thể giúp ích trong trường hợp suy giảm thính lực nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cấy ốc tai điện tử vẫn là lựa chọn tối ưu hơn.
Ưu nhược điểm của phương pháp cấy ốc tai điện tử
Như các thiết bị y tế khác, ốc tai điện tử cũng có ưu và nhược điểm nhất định.
Ưu điểm
Ốc tai điện tử có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong trường hợp bạn bị mất thính lực nghiêm trọng. Ưu điểm của thiết bị này phụ thuộc vào quá trình phẫu thuật và hồi phục của người dùng.
Theo Healthline, cấy ốc tai điện tử có thể giúp người sử dụng:
- Nghe được nhiều âm thanh khác nhau
- Hiểu lời nói mà không cần phụ thuộc vào khẩu hình miệng
- Nghe được giọng nói trên điện thoại
- Nghe nhạc và xem tivi mà không cần các thiết bị hỗ trợ khác
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thiết bị này có thể giúp các bé học nói nhanh và tốt hơn.
Nhược điểm
Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử là một ca phẫu thuật tương đối an toàn. Tuy nhiên, nó vẫn có thể mang đến một số rủi ro tiềm tàng như:
- Chảy máu
- Sưng tai
- Ù tai
- Chóng mặt
- Nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật
- Khô miệng
- Thay đổi khẩu vị
- Liệt cơ mặt
- Mất thăng bằng
- Viêm màng não
- Phẫu thuật để tháo bỏ cấy ghép ốc tai (do nhiễm trùng) hoặc sửa chữa thiết bị có thể gây ra một số rủi ro khác.
Rủi ro của việc phẫu thuật thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bên cạnh đó, cấy ốc tai điện tử cũng không giúp thính giác được phục hồi toàn diện. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử sẽ hoàn toàn không mang lại tác dụng cải thiện thính lực.
Ngoài ra, cấy ốc tai điện tử còn có các nhược điểm như:
- Người dùng phải tháo bỏ các bộ phận bên ngoài khi tắm và bơi lội
- Người dùng phải thường xuyên sạc pin hoặc thay pin mới
- Tình trạng mất thính giác tự nhiên vẫn tiếp tục tồn tại
- Ốc tai điện tử có thể bị hư hỏng do va đập khi chơi thể thao hoặc tai nạn
- Người dùng cần học cách để phục hồi chức năng và sử dụng ốc tai được cấy ghép
Hy vọng rằng, cấy điện cực ốc tai sẽ là một kỹ thuật được ứng dụng thành công trên nhiều bệnh nhân hơn nữa để mở cánh cửa đón nhận âm thanh cuộc sống cho mọi người.