ĐA KHOA TAI MŨI HỌNG

Hội chứng ngưng thở khi ngủ sát thủ thầm lặng

Ngày đăng : 14-04-2021 - Lượt xem : 919

Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là sự rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, biểu hiện dễ nhận thấy nhất đó là tiếng thở nặng nề, hơi thở dồn dập và ngáy to. 

Hội chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm: tai biến mạch máu não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm trí nhớ, mất tập trung...

Đối tượng dễ mắc căn bệnh ngưng thở khi ngủ

Căn bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, tập trung chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người lớn tuổi. Những đối tượng là người lớn tuổi khó ngủ, nhọc nhằn cũng dễ bị mắc bệnh. 

Những người béo phì, bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to,…), uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc an thần hoặc trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn.

Những biến chứng nguy hiểm của triệu chứng ngưng thở khi ngủ

Việc hô hấp giúp cung cấp oxy tới toàn bộ cơ thể, từ đó giúp nuôi sống các tế bào của cơ thể. Nếu thời gian dài bộ phận không được cung cấp oxy dẫn đến việc ngay vị trí đó trở nên dần suy nhược, yếu hơn hẳn so với bình thường.

Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não,… từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.

Chính vì vậy, tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.

Dấu hiệu nhận biết ngưng thở khi ngủ.

  1. Ngủ ngáy: là dấu hiệu phổ biến nhất. Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ ngưng thở. Ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm khi nằm nghiêng.
  2. Mệt mỏi cả ngày: người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.
  3. Buồn ngủ vào ban ngày: bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.
  4. Đau đầu khi thức dậy: nguyên nhân do thay đổi nồng độ oxy não trong đêm.

Làm thế nào để biết có ngưng thở khi ngủ hay không?

  1. Máy đo đa ký giấc ngủ:

Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán triệu chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một thiết bị ghi lại tất cả các quá trình trao đổi chất của cơ thể khi ngủ, oxy đi đến đâu, bộ phận nào thiếu cung cấp oxy.

Đo đa ký được thực hiện trong suốt giấc ngủ của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được gắn những bộ phận nhận cảm lên một số vị trí trên người như đầu, mặt, ngực, chân, đầu ngón tay để ghi nhận một số kết quả của người bệnh trong suốt giấc ngủ. Máy đa ký giấc ngủ sẽ ghi điện não, điện tim, điện cơ mắt, điện cơ cằm, điện cơ chân, độ bão hoà oxy trong máu, thông khí hô hấp, chuyển động cơ hô hấp, tiếng ngáy của bệnh nhân. Đo đa ký giấc ngủ hoàn toàn không gây đau đớn.

  1. Nội soi ống mềm khi ngủ

Là phương tiện khảo sát rất cần thiết cho việc xác định chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi ngủ

Bệnh nhân sẽ được gây ngủ và theo dõi bởi bác sĩ gây mê. Sau đó bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ tiến hành nội soi kiểm tra chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi bệnh nhân ngủ để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị hiệu quả

  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Thường xuyên tập thể dục giúp cơ thể hoạt động tích cực để có thể dễ dàng ngủ ngon giấc hơn.
  • Thay đổi lối sống: hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất cấm.
  • Sử dụng phương pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP)
  • Quan trọng nhất là không được thường xuyên dùng thuốc an thần khi không có chỉ định của bác sĩ

Xem thêm:

https://benhvientaimuihonghcm.com.vn/

*Lưu ý: Hiệu quả của việc điều trị còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người