ĐA KHOA TAI MŨI HỌNG

Phương pháp xét nghiệm đờm AFB chuẩn đoán chính xác bệnh lao phổi

Ngày đăng : 12-06-2021 - Lượt xem : 1944

Đối với các bệnh nhân có biểu hiện của lao, lao phổi, đường hô hấp thì xét nghiệm AFB là biện pháp hiệu quả nhất để nhanh chóng phát hiện vi khuẩn lao.

Việc phát hiện sớm đồng nghĩa với việc chuẩn bị điều trị và phương pháp hợp lý giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục .

1. Bệnh lao phổi là gì 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh lao hiện nay vẫn còn là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn trên thế giới, nhất là ở những nước đang phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh lao phổi ngày càng gia tăng, theo thống kê năm 1990 trên thế giới có 6.6 triệu trường hợp mắc lao, năm 2000 có 8.3 triệu trường hợp và năm 2006 có 9.24 triệu trường hợp. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 3.5-4 triệu bệnh nhân mới và khoảng 2 triệu người chết vì bệnh lao phổi, con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với ước tính. Việt Nam là nước đứng thứ 12 trong tổng số 22 nước có tỷ lệ nhiễm cao nhất thế giới, đứng thứ 3 tại Châu Á. Theo khảo sát quốc gia về tỷ lệ nhiễm bệnh lao trong năm 2010, tỷ lệ nhiễm lao là 307,2 trường hợp trên 100.000 dân số trưởng thành, khoảng 24000 người chết do bệnh lao phổi mỗi năm.

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây nên. Vi khuẩn lao là các vi khuẩn ưa khí, kháng cồn, kháng acid (viết tắt là AFB: acid fast bacilli), có vỏ phospholipid dày, khó thấm thuốc và khó điều trị. Lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 85-90% tổng số ca bệnh. Lao phổi cũng là thể lao duy nhất lây sang người xung quanh do tiếp xúc. Bệnh lao phổi rất dễ lây từ người bệnh lao phổi sang người khác qua các giọt đờm nhỏ li ti chứa vi khuẩn khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Nếu không được phát hiện và điều trị, trung bình một bệnh nhân lao phổi có thể lây cho khoảng 10 người khác, đây là mối nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng.

 

2. Xét nghiệm đờm AFB có tác dụng gì?

Bệnh lao phổi thường có các biểu hiện lâm sàng như ho khạc kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, sụt cân, ra mồ hôi trộm, chán ăn, tổng trạng toàn thân mệt mỏi và yếu. Triệu chứng điển hình nhất là ho, ban đầu ho khan, sau đó ho khạc ra đờm mủ hoặc đờm máu.

Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh lao phổi, để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm đờm AFB, xét nghiệm Xpert MTB/RIF, nuôi cấy tìm vi khuẩn lao,... Với ưu điểm là nhanh, đơn giản, dễ thực hiện, xét nghiệm đờm AFB là xét nghiệm thường quy, được sử dụng nhiều nhất. Mẫu đờm của bệnh nhân sẽ được nhuộm bằng kỹ thuật Ziehl-Neelsen, là kỹ thuật dùng để phát hiện vi khuẩn kháng cồn kháng acid. Mẫu bệnh phẩm sau đó sẽ được soi để phát hiện vi khuẩn trên kính hiển vi quang học.

 

3. Phương pháp xét nghiệm đờm AFB được thực hiện như thế nào?

3.1. Cách lấy đờm xét nghiệm

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay, để thuận tiện cho người bệnh có thể chẩn đoán được trong ngày đến khám bệnh, bệnh nhân mắc bệnh lao phổi có thể lấy hai mẫu đờm tại nơi khám bệnh, trong đó, thời điểm lấy mẫu 1 và mẫu 2 phải cách nhau ít nhất là hai giờ. Để đảm bảo kết quả xét nghiệm đờm chính xác, bệnh nhân phải thực hiện lấy đờm theo các bước như sau:

  • Hít thở vào thật sâu
  • Thở ra thật mạnh
  • Hít vào thật sâu, thở ra thật mạnh (lần 2)
  • hít sâu, thở mạnh lần 3, ho khạc thật sâu từ trong phổi
  • Đặt cốc đờm (đã mở nắp) vào sát miệng, đổ đờm vào đáy cốc, vặn chặt nắp.
  • Nộp cốc đờm và phiếu xét nghiệm cho nhân viên y tế
  • Súc miệng sạch bằng nước thường trước khi lấy đờm
  • Hít vào thật sâu, thở ra thật mạnh. Nhắc lại 3 lần để tạo cơn ho
  • Ho khạc đờm sâu từ trong lồng ngực
  • Mở nắp cốc đờm đưa lại gần miệng, nhổ đờm vào trong cốc
  • Đậy nắp cốc đờm, xoáy chặt nắp
  • Trường hợp khó khạc đờm hỗ trợ bằng cách vỗ rung, uống thuốc long đờm hoặc khí dung nước muối ấm.

Lưu ý, nếu lượng đờm lấy quá ít (<2ml) và không có chất nhày mủ, bệnh nhân phải làm lại các bước trên để có mẫu đờm đạt chất lượng.

 

3.2. Phương pháp tiến hành và cách đọc kết quả xét nghiệm đờm AFB

  • Do vách tế bào vi khuẩn lao có một lượng lớn acid mycolic nên khi sử dụng phương pháp nhuộm Gram truyền thống, các vi khuẩn lao rất khó bắt màu.
  • Để phát hiện được vi khuẩn lao trên mẫu đờm, các kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ tiến hành nhuộm tiêu bản chứa đờm theo phương pháp Ziehl-Neelsen.
  • Thuốc nhuộm có chứa phenol và hơ nóng khi nhuộm nên fuchsin sẽ ngấm qua vách của vi khuẩn. Do tính kháng acid-cồn nên sau khi tẩy màu bằng dung dịch cồn-acid 3%, AFB vẫn giữ được màu đỏ Fuchsin trong khi các tế bào và vi khuẩn khác bị tẩy mất màu đỏ.
  • Tiêu bản sau đó được nhuộm nền bằng dung dịch xanh methylen 0.3% tạo sự tương phản giữa AFB màu đỏ trên nền xanh sáng.

 

3.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán lao phổi dựa trên kết quả xét nghiệm đờm AFB

 

Theo kết quả xét nghiệm đờm, bệnh lao phổi được chia thành 2 loại là lao phổi AFB(+) và lao phổi AFB (-). Chẩn đoán xác định lao phổi AFB (+) khi có ít nhất một mẫu đờm có kết quả soi AFB dương tính, xét nghiệm được thực hiện tại các phòng xét nghiệm được kiểm chuẩn bởi Chương trình chống lao quốc gia.

Bệnh nhân được chẩn đoán lao phổi AFB (-) khi có ít nhất 2 mẫu đờm AFB có kết quả soi là âm tính, tuy nhiên khi dùng phương pháp nuôi cấy (hoặc các kỹ thuật mới như Xpert MTB/RIF) lại phát hiện có vi khuẩn lao trong đờm. Hoặc bệnh nhân tuy kết quả soi đờm âm tính, nhưng dựa vào triệu chứng lâm sàng, hình ảnh nghi lao trên X-quang phổi, bệnh nhân HIV (+) hoặc không đáp ứng với điều trị kháng sinh phổ rộng, các thầy thuốc chuyên khoa sẽ hội chẩn và xác định tình trạng lao phổi AFB (-) của bệnh nhân.

Lao phổi AFB (+) có tính lây lan mạnh, là nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Lao phổi AFB (-) tuy khả năng lây ít hơn nhưng vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Người mắc bệnh lao phổi, cả AFB dương tính và âm tính đều cần được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, cách ly trong thời gian điều trị để hạn chế lây lan cho cộng đồng.

 

4. Biến chứng của bệnh lao phổi

Bệnh nhân mắc bệnh ho lao là nguồn lây vi khuẩn cho người lành nhiều nhất, đặc biệt thể lao ở phổi có vi khuẩn AFB dương tính trong đờm. Nếu không điều trị sớm và dùng thuốc không đúng phác đồ, bệnh có thể gây nguy hại tới tính mạng bởi những biến chứng sau:

  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi: Tràn dịch màng phổi có nước dịch vàng chanh, dịch tiết chứa nhiều protein và lympho bào, đôi khi là dịch hồng hoặc đỏ. Tràn khí màng phổi xảy ra khi vỡ một hang lao thông với hang màng phổi, triệu chứng chủ yếu là đau ngực đột ngột bên có tràn khí và khó thở. Khi khí và dịch tràn ra nhiều quá sẽ ép phổi lại còn một thể tích rất nhỏ. Thể tích này không thể cung cấp đủ khí khiến người bệnh bị ngạt thở và tử vong. Do vậy, cần xử lý ngay tràn dịch và khí để khai thông sự dễ thở cho bệnh nhân.
  • Lao thanh quản: Thường biểu hiện bằng khàn tiếng, thay đổi giọng nói, nuốt đau, đau tai. Khám thường thấy loét ở dây thanh âm hoặc những nơi khác thuộc đường hô hấp trên, cần xét nghiệm đờm trực khuẩn Koch khi bệnh nhân đang bị lao phổi tiến triển.
  • Nấm Aspergillus phổi: Có những trường hợp bệnh lao đã được chữa khỏi nhưng vẫn để lại các hang. Các hang này sau đó có thể bị nhiễm nấm Aspergillus fummigatus. Nhiễm nấm có thể dẫn tới ho ra máu nặng thậm chí là tử vong.
  • Rò thành ngực: Nếu không được điều trị, hoặc điều trị không đủ thuốc, không đủ thời gian hoặc lao kháng thuốc có thể gây ra rò thông phế quản và thành ngực.

5. Phương pháp điều trị bệnh lao phổi

Giáo sư Ngô Quý Châu cho biết, ho lao là một bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi được, nhưng vẫn còn là gánh nặng cho sức khỏe cộng đồng. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, phần lớn các bệnh nhân lao đều khỏi bệnh mà không chịu biến chứng. Hiện nay, phương pháp điều trị lao phổi phổ biến là dùng kết hợp kháng sinh tối thiểu 6 tháng. Tùy thuộc vào thể trạng và bệnh lý của bệnh nhân bác sĩ sẽ có từng phác đồ riêng với từng người.

Việc điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh và chịu ít biến chứng, không chỉ vậy còn giảm bớt gánh nặng trong cộng động. Phương pháp điều trị lao theo quy chuẩn của bộ y tế bao gồm:

  • Điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS).
  • Điều trị theo phác đồ chuẩn được Bộ Y tế quy định cho các trường hợp lao ở phổi mới được phát hiện.

Tuân thủ nguyên tắc:

  • Uống thuốc đúng phác đồ
  • Uống thuốc đủ thời gian
  • Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, đều đặn tránh việc bỏ thuốc, gián đoạn trong điều trị

Những người bị lao phổi phải được đăng ký điều trị và theo dõi suốt quá trình điều trị. Hiện nay có rất nhiều đơn vị chống lao ở các tuyến huyện và tỉnh, người bệnh có thể đăng ký nơi điều trị gần với nơi mình cư trú. Việc điều trị có kiểm soát với phác đồ ngắn hạn cần được tổ chức chặt chẽ và người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ và hợp tác với bác sĩ để việc điều trị có kết quả tốt nhất.

Ngày nay, với hệ thống chống và điều trị lao phủ rộng trên toàn quốc, bệnh nhân lao được điều trị trong môi trường tốt nhất với các phác đồ hiệu quả. Trong 2 tháng đầu tiên, bệnh nhân được giám sát và điều trị với các cán bộ y tế. Sau đó, bệnh nhân sẽ được giám sát bởi người thân hoặc nhân viên y tế trong giai đoạn sau.

Tư vấn bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoàn toàn miễn phí

*Lưu ý: Hiệu quả của việc điều trị còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người